Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

Cảm nhận sau khi xem phim "Phải sống" (To live) 1994

Bộ phim này đã khiến tôi khóc suốt buổi chiều. Phim của Trương Nghệ Mưu luôn luôn rất đời thực. Cảm thấy xem phim giống như đang dõi theo một cuộc sống thực sự diễn ra ở ngoài đời. Mỗi diễn viên không phải là diễn viên nữa, mà là những con người thực ở ngoài cuộc sống. Chính sự tài tình ấy kết hợp với tính nhân văn cao cả đã khiến cho người xem không khỏi cảm động trước những cảnh phim "Phải sống".


Đầu tiên tôi sẽ bàn về tính "thật" trong phim này. Bộ phim thật từ đầu đến cuối. Không đoạn nào trong phim khiến tôi nghĩ mình đang xem phim. Cảnh thật nhất trong phim là cảnh ông Niu đến thăm nhà Fugui khi anh ta vừa từ mặt trận trở về. Chị Jiachen kéo ghế lại cho ông Niu ngồi. Ông Niu nói chuyện với Fugui, có nhắc đến việc Long'er sắp bị đưa ra hành xử. Chị Jiachen giải thích cho chồng hiểu chuyện của Long'er, nhưng ông Niu lắc đầu, gạt đi và giải thích lại. (Xem đoạn này ở đây)


Tôi cho rằng đây là phần đạt nhất của phim. Tôi đã từng thấy hình ảnh đó nhiều lần trong cuộc sống của mình. Cảnh phim này khiến tôi nhớ về quê tôi, nới những người hàng xóm lớn tuổi vẫn thường ngồi uống nước chè nói chuyện với nhau. Cảnh phim này rất sát thực. Nó cho thấy tài năng quan sát và sự tỉ mỉ của Trương Nghệ Mưu trong quá trình làm phim. Nó thực sự khiến tôi thấy bộ phim trở nên đời thường một cách kì lạ.

Một số cảnh quay trong phim làm tôi nhớ tới phim "Thời gian hạnh phúc" cũng của TNM làm đạo diễn. Phim ấy cũng rất chân thực, có thể nói là thật đến mức khô khan. Tôi thấy phim đó nói nhiều quá và lí sự nhiều quá, giông giống kịch nói. Và thật quá. Phim nên thật ở mức vừa phải. Các nhân vật trong phim "Phải sống" cũng có những đoạn hội thoại chân thực như trong phim "Thời gian hạnh phúc", nhưng "Phải sống" đậm tính "phim" hơn, không nói quá nhiều như ''TGHP" và các tầm ý nghĩa khác cũng cao hơn.

Ấn tượng thứ hai của tôi khi xem phim là âm thanh. Âm nhạc được thêm vào rất đúng chỗ. Nhạc diễn con rối xuyên suốt từ đầu đến cuối phim, và cũng là thứ liên quan đến cuộc đời nhân vật nhất. Cứ mỗi lúc cái âm thanh này cất lên, tuy rằng có phần hào sảng, nhưng lại có vẻ bất an. Nó khiến tôi có linh cảm sắp xảy ra chuyện không hay. Âm thanh ấy như trêu ngươi cuộc đời, trêu ngươi xã hội, giễu cợt sự đổi thay khập khiễng. Âm thanh ấy xuất hiện trước khi Fugui đánh mất gia tài, trước khi Fugui bị bắt, trước khi Youxing chết,... Âm thanh đó ám ảnh cả cuộc đời của những người trong cuộc.

Âm nhạc chủ đạo trong phim còn có đoạn nhạc thê lương và đượm tình (nghe nhạc này ở đây) nhưng mỗi khi ngân lên lại thắp lên một niềm vui, một sự đổi mới trong phim và hy vọng mới trong lòng người xem. Đoạn nhạc buồn mà ấm áp. Cảm thấy có nỗi đau và sự chấp nhận nỗi đau, có niềm thất vọng và sự lạc quan tươi sáng, có tình thương và oán trách. Đoạn nhạc như là cuộc đời, như là số phận gói vào trong đó.

Ấn tượng thứ ba là nhân vật Fugui. Anh ta sớm từ đầu phim đã bộc lộ là một kẻ không biết suy nghĩ sâu sắc. Chính sự hời hợt đó đã khiến anh ta mất nhà, khiến ông bố tức mà phát chết (đoạn phim ông cụ giơ gậy lên đánh vào Fugui cũng rất thật, xem đoạn đó ở đây), khiến mẹ anh ta chết không nhắm mắt, khiến hai đứa con anh ta chết không kịp kêu... 

 

Anh ta cũng là một kẻ nhát gan, tiểu nhân. Anh ta đái phải quần khi nghe 5 phát súng bắn chết Long'er (mà nhẽ ra sẽ là anh ta nếu anh ta không cược nhà cửa cho Long'er). Anh ta sợ người ta coi con trai mình là phản động nên bắt Youxing dậy bằng được để đi đón tỉnh trưởng, mặc dù thằng bé rất buồn ngủ. Hậu quả là thằng bé đã chết vì ngủ quên. Nguyên nhân trực tiếp là do anh tỉnh trưởng, gián tiếp là anh ta, sâu xa là chế độ mới.

Cảnh Fugui cõng Youxing (đang rất buồn ngủ) đi tới trường đón tỉnh trưởng
Những nguyên nhân đó cũng dẫn tới cái chết của Fengxia, cô con gái còn lại của anh ta. Fengxia bị câm nên không thể hét được lúc sinh đứa con đầu lòng. Bệnh viện thì chỉ còn mấy cô sinh viên y khoa trẻ vì những giáo sư gạo cội đã bị bắt hết. Các cô sinh viên này ăn nói phô trương nhưng làm việc thì không biết cách. Tôi thực sự tức phát chết khi nhìn thấy mấy ả này cứ khẳng định như đúng rồi là có thể đỡ đẻ cho Fengxia. Nhưng cuối cùng thì khi Fengxia bị băng huyết. chảy máu quá nhiều thì mấy ả này hét toáng lên, đem cả một mớ dụng cụ vào phòng đẻ nhưng chẳng biết làm cái quái gì. Trong khi đó, cái ông bác sĩ mà chồng của Fengxia đem về thì ngồi ăn hết 7 cái màn thầu mà Fugui mua cho rồi đang nấc lên vì bội thực. Fugui tiếp tục sự ngu dốt của mình bằng cách cho ông ta uống nước. Và đó là cách ông ta tắt thở ngay lập tức sau mấy cái ngáp của người chết vì bội thực. (Xem đoạn này ở đây)

Thời khắc hạnh phúc ngắn ngủi của Fengxia
Ông bác sĩ thì ngáp lên ngáp xuống không nói được cái gì. Fengxia thì rất đau nhưng không hét lên được, mồm mà mắt trương lên, da tái nhợt. Fugui cứ chạy qua chạy lại giữa hai bên, cái cảnh đó thật nực cười và đầy chua chát! Nó khiến người xem khóc không được, cười cũng chả xong, nhưng thấy đau quặn từ đáy lòng. Thế đấy! Nếu Fugui không mang màn thầu cho ông bác sĩ ăn thì ông ta đã bình thường và cứu được Fengxia. Cái chết của Fengxia thật bất công. Cả đời phải làm lụng vất vả, lại chịu nghịch cảnh bị câm, vừa mới lấy được người chồng tốt thì lại phải chết vì sự ngu dốt của người cha và sự ngu dốt của xã hội.

Trong phim này, Củng Lợi cũng đóng rất đạt trong cương vị một người vợ, người mẹ. Jiazhen là người biết sống theo thời cuộc và biết mạnh mẽ vượt lên trên mọi  nỗi đau và sự vất vả để sống. Tiếng khóc thảm thương của người mẹ khi biết con trai chết, khi nằm cạnh con gái đang trợn mắt lên mà không biết làm sao cứu được, tiếng khóc đó thật đau lòng xiết bao! Tôi đã khóc rất nhiều khi Jiazhen khóc. Làm sao đong hết nỗi đau của người mẹ khi chứng kiến sự ra đi của con mình, chỉ vì những lí do không đáng.


Jiazhen cũng là một người phụ nữ mạnh mẽ. Cô một mình nuôi con, chăm mẹ chồng khi chồng đi vắng. Cô chịu đựng mọi nỗi đau để sống. Cô cũng là người đàn bà giàu tình người. Cảnh Chunsheng đến nhà Fugui và Jiazhen trước khi anh ta ra đi thật cảm động. Anh ta cầu xin sự tha thứ vì đã gây nên cái chết của Youxing (thực ra anh ta cũng vô tình thôi, cũng là kẻ đáng thương) rồi đưa vợ chồng Fugui số tiền anh ta có (xem đoạn này ở đây). Anh ta đã định đi tự tử (khuôn mặt anh ta lúc đó lộ rõ vẻ đau khổ và tuyệt vọng), nhưng lúc này tình người đã chiến thắng. Fugui khuyên bảo Chunsheng hết lời nhưng câu nói ý nghĩa nhất giúp Chunsheng vượt lên số phận chỉ đơn giản là câu "Vào nhà đi, ngoài kia lạnh lắm" của Jiazhen. Bao nhiêu năm người mẹ này đã không thể tha thứ cho người đã gây ra cái chết của con mình nhưng giờ, trước sự cùng quẫn của Chunsheng, trước tình cảnh bị truy bắt nhưng vẫn đến xin sự tha thứ của Chunsheng, Jiazhen đã chủ động mở lời. Câu nói bình dị ấy cùng với ánh đèn vàng lúc Jiazhen mở rộng cửa mới thật là ấm áp biết bao đối với Chunsheng. Chính thời khắc đó, Chunsheng đã nghĩ lại. "Anh đừng chết, anh còn nợ chúng tôi một cái mạng" là câu Jiazhen đã nói với theo khi Chunsheng lầm lũi đi về phía bến cảng. Câu nói đầy tình người đã cứu một con người. Đúng lúc này đoạn nhạc thê lương đã cất lên, bắt đầu một sự thay đổi, bắt đầu một nghị lực sống mới.


Nhưng cũng không thể phủ nhận là Jiazhen cũng cùng chồng gây nên cái chết cho con. Người phụ nữ này cũng không nhiều hiểu biết và trước một người chồng nhát gan, ngu dốt cũng không thể làm được gì. Chồng đưa con trai đi, cô cũng ừ theo. Chồng đưa màn thầu cho bác sĩ, cô cũng ừ. Thậm chí cô còn nảy ra ý tưởng cho bác sĩ uống nước... Xem ra có lẽ những cái chết và sự ra đi trong phim đều là những trớ trêu của cuộc đời. Tất cả đều là tấn trò đời.

Yếu tố xã hội trong phim tuy không phải là nội dung chính của phim nhưng là chi tiết hết sức quan trọng. Cuộc chiến tranh giữa các đảng phái, sự tôn vinh mù quáng lãnh tụ Mao Trạch Đông, những cải cách sai lầm của ông ta và những bài hát ca ngợi Đảng luôn lặp đi lặp lại trong phim, phần nào cho thấy thái độ bất bình và giễu cợt của Trương Nghệ Mưu đối với xã hội ông đã trải qua. Vì điều này mà ông đã bị cấm làm phim trong 2 năm. Xã hội đó cũng là nguyên nhân của những cái chết trong phim. Mà là những cái chết hết sức không đáng có. Lại một lần nữa Trương Nghệ Mưu lại cười vào những cái điên loạn của xã hội.

Bộ phim đã khiến tôi khóc nức nở. Mắt tôi sưng lên và lòng tôi cứ trĩu nặng đến tận bây giờ. 

Đoạn kết mở của phim:
Đoạn kết yên ấm với lời nhắn nhủ "cuộc sống sẽ tốt hơn lên mỗi ngày".
Hãy sống! dù có thế nào thì Sự sống vẫn rất quý giá.
(Đào Thị Việt Giang)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét